Ngày đăng 27/06/2019 11:04:06 AM

Chó Phú Quốc ở Hà Nội

 
Sự xuất hiện của lớp người trẻ với những cách làm mới trong phong trào nuôi chó Phú Quốc theo nhịp sống hiện đại đang giúp rút ngắn dần những chặng đường để sớm tới ngày chó Phú Quốc được FCI – Hiệp hội Chó thế giới – công nhận.
 
Chó Phú Quốc ở Hà Nội
  • Tác giả Hữu Thiện 

Sự xuất hiện của lớp người trẻ với những cách làm mới trong phong trào nuôi chó Phú Quốc theo nhịp sống hiện đại đang giúp rút ngắn dần những chặng đường để sớm tới ngày chó Phú Quốc được FCI – Hiệp hội Chó thế giới – công nhận.

Cuối năm 2017, cuộc trao đổi giữa chúng tôi hay bị ngắt quãng vì cô chủ tịch câu lạc bộ Pacific ấy đang tíu tít chuẩn bị tổ chức Dog Show chó bản địa vào đầu tháng 1/2018 ở Hà Nội và việc điều hành trang trại chó Phú Quốc của mình.

Chọn cún

“Em tên Lê Thị Hà, 29 tuổi, hiện làm dược sĩ. Anh em trong giới chơi cún Phú Quốc hay gọi em là... Hà Máy Xúc” -  cô gái ấy đã thật thà tự giới thiệu như vậy. “Sao lại gọi là... Máy Xúc?” – tôi hỏi. “Dạ, vì trong việc tìm mua cún Phú Quốc, em thường mua khá nhanh, nếu đã tìm được một bạn cún ưng ý. Đặc biệt, sau khi về với em, các bạn cún sẽ được em đầu tư chăm sóc, dạy dỗ để sớm có được... thành tích – Hà giải thích – Quan trọng nhất là các bạn cún ấy có thành tích cao ở các show chó đẹp, nên mọi người gọi em là Máy Xúc, theo nghĩa là... xúc bom tấn ạ”.

 

 

Hà cho biết từ hồi bé xíu, cô đã yêu cún. Năm lớp 3, Hà được xem một chương trình truyền hình về chó Phú Quốc, từ đó cô luôn ao ước một ngày sẽ có được một chú cún Phú Quốc. Ước mơ cứ lớn dần theo năm tháng: từ một bạn cún, sau Hà lại mơ có hẳn một... trại cún Phú Quốc! Cô dược sĩ kể: “Để thực hiện ước mơ ấy, em bắt đầu bằng việc nuôi... chó ta, đến năm lớp 7 em đã nuôi gần... 20 bạn cún. Sau đó em quyết định gây dựng một trang trại chó Phú Quốc ngay ở Hà Nội”.

 

 

Chó Phú Quốc. Ảnh minh họa

Rồi Hà bắt đầu tìm mua chó Phú Quốc. Cô trao đổi từ xa với người buôn và người nuôi ở đảo Phú Quốc qua điện thoại, rồi nhận hình ảnh gửi qua mạng. Hà vào Nam nhiều lần, nhưng chủ yếu tìm ở Sài Gòn và Hà Nội – hai thành phố tập trung nhiều người chơi chó Phú Quốc nhất và chất lượng con giống cũng nổi trội. Hà đã phải đi rất nhiều, hễ nghe ở đâu có chó Phú Quốc đẹp là cô cố tìm bằng được địa chỉ, bằng mọi cách.

ISO, SOP

Theo Hà, chó Phú Quốc vẫn chưa thuần chủng, lại thiếu hình mẫu chuẩn cụ thể, dù lâu nay vẫn có bản tiêu chuẩn chó Phú Quốc của Hiệp hội Những người nuôi chó giống Việt Ban (VKA). Bởi vậy, cô chọn mua chó giống theo quan điểm và... trực giác của riêng mình. “Mỗi loài có những nét quý riêng. Phải cóp nhặt và xem mình cần gì. Từ đó sẽ quyết định dứt khoát mua những bạn cún nào cho trại của mình, nhằm làm phong phú nguồn gen và dần dần tạo ra những bạn cún gần với bản tiêu chuẩn VKA, với chất Phú Quốc đúng ý mình nhất”.

Hà tự cho là mình may mắn, vì sinh ra trong thời công nghệ thông tin bùng nổ nên tận dụng Google để tìm và nghiên cứu ngày đêm những tài liệu, công trình khoa học của các trường đại học về chó Phú Quốc, bên cạnh việc học hỏi từ những người anh đi trước. Khi quyết định lập trại chó Phú Quốc Red River Kennel trên đất của gia đình ở Gia Lâm, Hà chỉ mới có trong tay ba chú cún (hai cái và một đực). Cô phải chuẩn bị rất nhiều, bởi việc nuôi và phát triển cả một đàn chó quý đòi hỏi rất nhiều kiến thức, từ bản tiêu chuẩn chó Phú Quốc của VKA cho tới những hiểu biết về tâm sinh lý, bản năng, thú y, dinh dưỡng và kỹ thuật chăm sóc, nhân giống... Khi lên kế hoạch dựng trại cũng là lúc Hà bắt tay viết ngay quy trình, áp dụng kiểu tiêu chuẩn ISO, kèm theo những quy trình thao tác chuẩn (SOP – Standard Operating Procedure) cho mọi thứ.

 

 

Chó Phú Quốc là giống chó săn rất giỏi, rất trung thành và thông minh. Ảnh minh họa

Ngoài những phần do Hà tự tay thực hiện quy trình thú y cho cún thì chúng còn được siêu âm, X-quang, test rụng trứng... Cún bệnh sẽ được chuyển đến bệnh viện thú y điều trị với các bác sĩ nước ngoài hàng đầu tại Hà Nội, khi trở về phải trải qua thời gian cách ly theo quy trình của trại.

Hà “bật mí” cô đã chi khoảng 1 tỉ đồng để có được trang trại chó Phú Quốc như hiện nay. Trại Red River Kennel hiện có khoảng 40 chó cha, mẹ giống, gồm đủ các thế hệ F0, F1, F2 và F3. Trại không chỉ trao đổi kinh doanh trong nước mà đã bắt đầu bán chó Phú Quốc qua bang California (Mỹ). Năm 2018, trại sẽ tiếp tục chuyển sang Cộng hòa Czech theo đơn hàng 20 chú cún, cùng một số đơn hàng nhỏ lẻ của khách Anh và Hà Lan.

“Chia giỏ trứng”

Trại Red River Kennel được tổ chức thành hai cơ sở, dựa theo bí quyết đầu tư bỏ trứng vào nhiều giỏ. Đó là cách “làm loãng” môi trường nuôi để có không gian và tăng độ an toàn trong việc kiểm soát dịch bệnh. Cả hai đều có khu vực cách ly để sử dụng khi có sự giao thoa giữa hai bên. Nếu xảy ra dịch bệnh ở một nơi, toàn bộ con giống nơi ấy sẽ được sơ tán về khu cách ly của cơ sở kia để có thời gian khử trùng hợp lý toàn bộ không gian sống của cơ sở có vấn đề, trước khi cho cún mạnh khỏe quay trở lại. Ngoài ra, việc chia trại làm hai cơ sở còn có dụng ý trong việc nhân giống. Con giống sẽ được luân chuyển giữa hai cơ sở trong quá trình nuôi dưỡng, tạo không gian cho những nghiên cứu, theo dõi riêng của Hà về nòi chó Phú Quốc.

 

 

Chó Phú Quốc có xoáy kiếm hoặc mũi tên đặc trưng trên lưng. Ảnh minh họa

Nét đặc biệt của trại Red River Kennel ở Hà Nội là chó Phú Quốc được sống ở môi trường bán hoang dã. Khu vực nghỉ ngơi dành cho mỗi chú cún khá rộng, thay vì nhốt cún trong chuồng sắt nhỏ như ở nhiều nơi khác. Trại cũng tổ chức ghép mỗi đôi cún đực, cái trong từng khu riêng có diện tích gần 40m2. Mỗi “khu đôi lứa” đều có ô chuồng sàn gỗ với cửa mở tự do để cún ra vào và nghỉ ngơi tùy ý, cùng một gian nhà nhỏ vào cao như... nhà cấp bốn, để cún vô ngủ khi trời mưa và rét.

Cơ sở nào cũng có khu dạo chơi và săn bắt chung, rộng khoảng 300m2, có đường dẫn để cún được thả vô hàng ngày săn bắt, ăn cỏ và... đi vệ sinh ở một phần nhỏ trong khu vực. Trại có quy trình vệ sinh chất thải thực hiện hằng ngày, tuần và tháng theo từng mục.

“Kỳ vọng của em là xây dựng một dòng chó Phú Quốc có tính cách và ngoại hình rặt chó Phú Quốc, có khung xương tốt để có thể... “thắng show”. Quá trình tạo dòng riêng ấy có thể diễn ra trong nhiều năm, đòi hỏi rất nhiều về nguồn lực kinh tế và cả kiến thức sinh học, cùng tấm lòng. Từ đó sẽ góp phần cùng VKA và những người yêu mến chó bản địa giới thiệu chó Phú Quốc đến mọi nơi trên thế giới, và được Hiệp hội Chó thế giới công nhận” – Hà chia sẻ.

 

Tìm chó trong đêm

Lần nọ, gần 20 giờ đêm, có người kêu bán chó Phú Quốc ở cách nhà Hà những 40km, Hà lập tức lên đường tới Quốc Oai. Tới nơi ngắm cún được chào bán, cô vừa thất vọng vừa tức cười vì đó chỉ là một chú cún lai, có dải lông mọc ngược nhưng lông hơi xù, chẳng phải Phú Quốc. Vậy là Hà đành “côi cút” ra về giữa đêm đông rét lạnh tê tái ấy của Hà Nội.

Một lần khác, có người bạn báo về có một bầy chó Phú Quốc đẹp. Sau giờ làm, Hà vội tới đó tức thì, rồi chọn được một bé cún rất ưng ý. Đó là cháu gái của “Đốm huyền thoại” – chú chó Phú Quốc từng giành giải quán quân đầu tiên của Việt Nam năm 2009, và từng qua Paris dự cuộc thi chó đẹp thế giới năm 2011, được trao chứng chỉ chó đẹp cấp quốc gia của Pháp.

“Bé cún ấy đã chinh phục em từ cái nhìn đầu tiên, lại quấn quýt em một cách đặc biệt trong lần gặp ấy, nên giá hơn 1.000 USD – mức giá chuyển nhượng có thể nói là cao nhất Hà Nội lúc đó – trở thành nhỏ bé so với mong muốn được nuôi bé. Về tới nhà, em đã... mắc màn để bé ấy ngủ không bị muỗi đốt. Trông bé giống y một hổ con vậy, từ đó mà nảy ra cái tên bé Cọp” – Hà kể.


 

Tác giả Hữu Thiện

Bài đăng trên báo Tuổi Trẻ số Tết Mậu Tuất 2018